[Câu chuyện forex] Tôi là trader

[Câu chuyện forex] Tôi là trader

[Câu chuyện forex] Tôi là trader
"Khoảnh khắc mà bạn phá vỡ quy tắc để chạy theo cảm xúc của bản thân, trading sẽ trở thành đánh bạc." Kết đoạn này của bác quá.. Bác kết bài như thể bác là dân văn chính cống chứ không phải là dân kỹ thuật rồi!
 
Có lẽ là văn sĩ, không thấy tí hơi hám kỹ thuật, lại thêm khúc khiêu dâm ẩn dụ...hình như có vẻ gì nguy hiểm, không an toàn đâu đây! Viết bài rất đạt chuẩn SEO của wordpress. Viết kịch có khi hay hơn. Em mới chơi, nhưng không hiểu bao nhiêu lot cháy còn 20 usd? vì hình như có tỷ lệ cháy, 1 là rụi, 2 là cũng còn 30% thì phải, 1000 mà còn 20usd, hơi khó hiểu, em vốn dốt toán đại số, bạn nào gỡ rối dùm em cái đoạn này với ạ. xin cảm ơn!
Mình nghĩ tuỳ theo lot bạn đánh nữa, mình cũng từng đánh 0.05 cháy còn dưới 10usd thì phải. Đánh tiếp thì ko đc nhưng nếu giảm số lot đánh xuống, vd 0.02...thì hệ thống sẽ cho đánh tiếp.
 
đọc tới khúc: trading được 06 tháng mà chưa nếm mùi cay đắng là biết bạn này đang sống và suy nghĩ theo kiểu cứ trade là win, rồi cái gì đến cũng sẽ đến, rồi bạn sẽ thấy FX đã thay đổi hoàn toàn CUỘC ĐỜI BẠN, và sẽ có nhiều câu: ƯỚC GÌ, GIÁ NHƯ.v.v...
nếu có cơ hội, 5 năm sau đọc lại bạn sẽ thấy nó chuẩn ko cần chỉnh trừ khi bạn là thiên tài hoặc 1% còn lại./\
 
PHẦN 5: TỪ BỎ

Trong suốt một tháng kể từ sau lần cháy tài khoản thứ tư, tôi hoàn toàn không đụng gì đến trading. Tôi cũng chán nản không còn đọc tin tức hay tài liệu gì liên quan đến Forex nữa. Suốt thời gian đó tôi chỉ tập trung vào công việc chính của mình bên mảng công nghệ và tìm một hướng phát triển khác. Ngày tháng cứ bình lặng trôi qua, tôi vẫn làm công việc mà hơn mười năm qua tôi vẫn làm. Mọi thứ lẽ ra vẫn đều đều như cũ, nhưng không. Tôi dần cảm thấy có điều gì đó đã đổi khác, khi không còn trade cũng là khi tâm trí tôi xuất hiện một khoảng trống hụt hẫng không thể lấp đầy.

Nỗi nhớ về những con sóng, những mô hình nến, những thời khắc căng não phân tích thị trường... đã đưa tôi trở lại. Niềm kiêu hãnh quá lớn trong tôi không chấp nhận để bản thân mình thua cuộc thảm hại như vậy. Tôi cũng đã rút được nhiều kinh nghiệm từ những lần thất bại trước, đặc biệt là việc tôi giao dịch hoàn toàn dựa vào cảm tính mà không hề có một chiến lược cụ thể nào. Một thay đổi quan trọng nữa trong tư duy trading của tôi tại thời điểm này mà tôi cảm thấy thật sự ý nghĩa cho đến tận bây giờ và có lẽ là mãi về sau này, đó là tôi đã học được cách tôn trọng thị trường. Thật may mắn khi tôi sớm nhận ra rằng cố gắng trả thù thị trường là một việc làm ngu ngốc.

Thời gian này tôi đã cởi mở hơn trong việc tiếp thu những quan điểm trái chiều, tuy nhiên kết quả giao dịch của tôi vẫn trì trệ mà không đạt được chút tín hiệu khả quan nào. Cảm giác bất lực cứ dần lớn lên từng ngày. Mặc dù đã thử rất nhiều phương pháp giao dịch khác nhau, kết hợp đủ loại indicator theo mọi cách, nhưng tài khoản chỉ nhỉnh lên được chút ít rồi sau đó lại dần dần bị bào mòn đi bởi những lệnh thua lỗ. Lệnh thắng thì không được bao nhiêu nhưng chỉ một lệnh thua thì đã nhấm chìm công sức của nhiều ngày trước đó. Tôi cứ loay hoay tìm cách xoay xở nhưng không thể nào thoát khỏi việc tài khoản bị gặm nhấm từng ngày. Trong phần đầu tiên của loạt bài viết này, tôi có nói tôi đã cháy Forex 5 lần, nhưng sự thật thì tài khoản thứ 5 của tôi không cháy. Mặc dù đã tìm đủ mọi cách, nhưng cuối cùng tôi vẫn thua lỗ 82%. Tài khoản 1000$ chỉ còn lại vỏn vẹn 180$, với tôi nó cũng chẳng khác nào đã cháy.

Nếu bạn hỏi tôi đã mắc phải bao nhiêu sai lầm khi trade Forex, câu trả lời là không đếm nổi. Có lẽ tôi đã mắc phải hầu như tất cả những sai lầm mà bất cứ ai trade Forex cũng từng trải qua. Nếu bạn hỏi tôi hiện tại và tương lai có còn tiếp tục mắc sai lầm nữa không, câu trả lời là có. Trong suốt quãng đời trading còn lại, tôi vẫn sẽ tiếp tục mắc sai lầm. Nhưng nếu bạn hỏi tôi rằng sai lầm nào là nghiêm trọng nhất mà tôi vĩnh viễn sẽ không bao giờ phạm phải nữa, thì đó là việc giãn stoploss. Tôi không biết bạn có giống tôi không, thật tốt nếu như bạn không mắc phải sai lầm này. Việc giãn stoploss chỉ thể hiện cho một chiến lược quản lý vốn tồi tệ, một tâm lý giao dịch đầy do dự thiếu tính nhất quán, một nỗi sợ hãi mà bạn không dám đối mặt mà thôi.

Hơn mười năm từ khi bước chân ra đời lăn lộn, tôi chưa bao giờ nếm trải ba lần thất bại liên tiếp cùng một sự việc. Forex đã phá vỡ mọi giới hạn, chà đạp và chôn vùi lòng kiêu hãnh của tôi không chút mảy may thương tiếc. Giấc mơ triệu đô giờ đây chỉ còn là giấc mơ mà tôi sẽ mãi chẳng thể nào chạm tới. Sau tất cả, tôi quyết định từ bỏ.

PHẦN 6: SỰ TRỞ LẠI CỦA GLADIATOR

(còn nữa)
 
Đang hóng phần tiếp theo. Cuối năm chắc nhiều việc nên không có tgian viết tiếp ah bạn
 
PHẦN 6: SỰ TRỞ LẠI CỦA GLADIATOR

How many roads must a man walk down
Before you call him a man?
And how many seas must a white dove sail
Before she sleeps in the sand?


Hà Nội đón tôi về vào một chiều đầu thu heo may vừa chớm. Gió tung tăng đùa vui khóm lá góc phố thân quen ngày tôi đi hẵng còn ngát xanh, nay đã nhuộm sắc vàng. Giọt nắng dịu dàng len qua tán cây bàng màu đỏ, lá đã rụng nhiều để lộ ra khoảng hở mắt ngước lên nhìn là một khuôn trời trong veo. Đóng thật khẽ cánh cửa chiếc taxi để khỏi giật mình con sâu nhỏ đang mơ màng bên bờ hoa thạch thảo, tôi kéo vali trở về căn gác nhỏ nằm sâu cuối ngõ. Tạm biệt anh tài xế cùng bài ca tuổi trẻ đã một thời đồng hành trên khắp những cung đường rong ruổi say mê.

Chuyến đi công tác lần này để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc về anh bạn đồng nghiệp tên là Ken. Một anh chàng kỹ sư phần mềm người Thụy Điển gần bốn mươi tuổi, cao một mét chín lăm với cái đầu hình quả lê. Không biết là do ảnh hưởng của gen hay bởi tác động vật lý từ bàn tay vò bứt trong những đêm OT fix bugs, nhưng về cơ bản thì Ken hói. Hai mắt kính dày cộp như đít chai Chivas, vắt chòng chành ngang qua sống mũi cao, không che nổi chiều sâu lòng mắt có màu xanh của biển. Dù đã rất cố gắng và hoàn toàn bất lực khi tìm cách miêu tả đôi chân như hai que tăm chống đỡ cái bụng củ khoai tây trong dáng đứng thần thoại ấy, nhưng cuối cùng tôi cũng có thể kết luận được rằng Ken là một kỹ sư phần mềm thực sự giỏi và chuyên nghiệp. Ấn tượng về Ken khiến tôi đặt lại những câu hỏi cho mình. Và thật bất ngờ rằng sau hai tháng từ bỏ và tưởng như tôi đã quên Forex, thì một trong số những câu hỏi lại là “Tôi đã thật sự chuyên nghiệp với Forex?” Tôi biết mình sẽ trở lại khi câu trả lời cho câu hỏi là “chưa”. Sau khi suy nghĩ và cân đối khoảng thời gian cho phù hợp, tôi quay lại trade Forex vào một ngày đầu tháng Chín. Chẳng biết có sự tình cờ nào không khi đây cũng chính là khoảng thời gian của mùa khai trường, nhưng chắc chắn tôi không còn là cậu học trò hớn hở ở phần ba. Thị trường với những lần thất bại vùi dập lúc trước cùng với hình ảnh của Ken nhắc tôi nhớ rằng để có được kết quả tốt thì tôi sẽ phải trade thật chuyên nghiệp. Việc đầu tiên tôi chọn làm lúc ấy là xây dựng một hệ thống giao dịch của riêng mình.

Tôi nhanh chóng nhận ra rằng việc áp dụng một cách máy móc những hệ thống giao dịch mà trước đây tôi từng làm là một việc hết sức ngu xuẩn. Hệ thống giao dịch tốt nhất phải là hệ thống được xây dựng trên cơ sở phù hợp với quan điểm, tính cách, mục tiêu và phương pháp luận của tôi chứ không phải là một thứ copy từ người khác khi chưa hiểu rõ hệ thống của họ. Tôi cũng nhận thấy sự hạn chế của việc giao dịch trên tài khoản demo. Mặc dù là một công cụ tuyệt vời để thực hành và luyện tập, tuy nhiên tài khoản demo không thể giúp tôi rèn luyện được tâm lý giao dịch dưới áp lực của khoản đầu tư tiền thật. Tôi quyết định sẽ sử dụng cùng lúc cả tài khoản demo lẫn tài khoàn real. Để đảm bảo việc luyện tập của tôi có thể sát nhất với thực tế, tôi cấu hình cả hai tài khoản với cùng mức đòn bẩy và tiền vốn. Chiến lược áp dụng cho tài khoản demo như thế nào thì tôi áp dụng đúng như vậy cho tài khoản real. Sau khi được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ Price Action, tôi đã quyết định chọn giao dịch theo phương pháp này. Kể từ đây tôi chỉ còn giữ lại duy nhất Bollinger Bands để tham khảo và lược bỏ hoàn toàn các indicators khác. Tôi cũng bỏ dần kiểu trade scalping.

Có một chiến lược vào lệnh tương đối chi tiết rồi, tôi bắt đầu chuyển sang vấn đề quản lý vốn. Tôi luôn cảm thấy một điều rất nực cười mỗi khi vô tình lướt thấy những phát biểu được lặp lại như kinh thánh bởi các trader đọc từ sách vở và thần tượng các chuyên gia rằng chỉ nên giao dịch với lệnh từ 1% đến 2%. Tôi cho rằng việc này hợp lý chỉ khi ở trong đúng ngữ cảnh của nó. Đối với một quỹ đầu tư quản lý một nguồn vốn lớn hàng triệu đô la, hay với những cá nhân giao dịch với tài khoản nhiều nghìn đô trở lên thì 1 - 2% là phù hợp. Nếu bạn giao dịch với số vốn 100$ hay vài trăm đô đi nữa vẫn chỉ là một số vốn rất nhỏ. Lệnh 1 - 2% chẳng có ý nghĩa gì trừ khi mục đích của bạn là trade để kiếm tiền mua bánh mỳ. Bạn có thể viện cớ rằng vài trăm đô cũng là tiền chứ không phải rác, và bạn có thể rèn luyện được tâm lý giao dịch với tiền tiền thật. Và nếu bạn đủ mộng mơ về câu chuyện bạn có thể gây dựng dần dần số vốn vài trăm lên hàng nghìn rồi hàng triệu đô la thì tôi xin chúc bạn may mắn. Nhưng hãy nhớ rằng áp lực trên 100$ hoàn toàn khác với áp lực trên 1000$ hay 10.000$. Nếu muốn luyện tập chiến lược và test hệ thống giao dịch của bạn thì tài khoản demo đã làm tốt việc đó rồi, lợi nhuận từ lệnh 1 - 2% trên tài khoản 100$ không giá trị bằng khoản thời gian bỏ ra cho nó. Bạn sẽ không bao giờ mua được trải nghiệm của 10.000$ bằng 100$, cho nên đừng trade real với số vốn quá nhỏ, trừ khi đó là tất cả những gì bạn có.

Tôi thậm chí còn ớn lạnh đến gai người mỗi khi nhớ lại phát biểu của một ông chuyên gia nào đó, mà bởi vì sự khinh bỉ phát biểu đó mà tôi chưa bao giờ nhớ tên ông ta. Chính xác phát biểu của ông ta là gì thì tôi không còn nhớ từng câu chữ, nhưng đại ý rằng cắt lỗ, cắt lỗ và cắt lỗ là việc quan trọng nhất cần làm. Chỉ cần tồn tại được mà không chết đã là giỏi lắm rồi, cuối cùng thành công sẽ đến. Tôi không biết ông này là chuyên gia như thế nào, nhưng quan điểm của tôi thì đối chọi hoàn toàn với ông ta. Với tôi trading Forex là một hoạt động phải đầu tư tiền bạc, thời gian và công sức. Một khi đã trade, sai thì sửa, ngã thì đứng dậy đi tiếp, thua lỗ thì rút kinh nghiệm và bài học cho lần sau nhưng mục tiêu phải là thắng lợi chứ không phải là để tồn tại. Phát biểu của ông này đã nhầm lẫn từ việc biến cắt lỗ vốn là một kỹ năng phòng vệ thiết yếu trở thành thứ giống như một mục tiêu. Nếu cứ mù quáng và máy móc vin vào những thứ sáo rỗng vô dụng như vậy thì tốt nhất là không nên tiếp tục trade nữa làm gì.

Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại của nhiều trader nằm ở việc quản lý rủi ro, cụ thể là việc họ đã quyết định giao dịch với một mức rủi ro vượt quá sức chịu đựng. Điều này sẽ tạo ra một áp lực lớn gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý và cảm xúc, hậu quả cuối con đường là không thể tránh khỏi. Một trader giỏi không phải là người trốn tránh được cảm xúc, mà là người có thể hiểu rõ sự ảnh hưởng của cảm xúc lên hành động, các giới hạn bản thân và biết điểm dừng. Tôi chọn giao dịch với lệnh nhỏ nhất là 5%, có những lúc tôi giao dịch với lệnh 10% trên tài khoản vốn 1000$, tùy vào từng điều kiện cụ thể. Số tiền này tôi đã xác định là sẽ mất, ngay từ khi nạp vào. Kể từ thời điểm đó trở đi, tôi chỉ còn tập trung giữ đúng quy tắc và giao dịch theo chiến lược mà tôi đã chọn.

Lần đầu tiên kể từ khi trade Forex đến lúc này, tôi cảm thấy mình đi đúng con đường. Tôi có một chiến lược vào lệnh rõ ràng được xây dựng bởi chính tôi, cho riêng tôi, kết hợp chặt chẽ với chiến lược quản lý vốn và quản lý rủi ro. Mặc dù vẫn có những lệnh thua lỗ nhưng nhìn chung kết quả giao dịch của tôi đã cải thiện đáng kể, đặc biệt là tâm lý khi giao dịch. Chi tiết về từng phần của hệ thống giao dịch này, tôi chắc chắn sẽ chia sẻ đầy đủ và trọn vẹn trong những phần tiếp theo. Và có thể các bạn sẽ hoài nghi khi tôi nói rằng kể từ đó tôi chưa bao giờ cháy tài khoản thêm lần nào nữa, ngược lại tỉ suất lợi nhuận của tôi còn liên tục được nâng cao. Đạt lợi nhuận 100% hay đôi khi 200% một tháng là điều tôi đã đạt được cho đến tận bây giờ. Hãy cứ mang theo sự hoài nghi của bạn cùng tôi đi đến hết seri này, tôi hứa bạn sẽ tìm được cho mình câu trả lời thỏa đáng.

Một trong những nét văn hóa La Mã mà tôi rất thích đó là Gladiator(Võ sỹ giác đấu). Tôi ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu của họ, thứ bản lĩnh đứng giữa lằn ranh sinh tử trên đấu trường, nơi khoảnh khắc có thể là trận đấu cuối cùng, nơi vinh quang bắt đầu và kết thúc. Tôi thường liên tưởng đến suy nghiệm này mỗi khi trading và lấy cảm hứng từ nó. Sau nửa năm liên tục cháy tài khoản, thêm hai tháng từ bỏ trong tuyệt vọng, để rồi trở lại như một cái duyên định trước, tôi đã bắt đầu gặt hái được thành công. Đến giờ sau một năm nhìn lại thì đến với Forex là một chọn lựa mà tôi không bao giờ cảm thấy hối tiếc.


PHẦN 7: PHÍA SAU ÁNH NẾN - PRICE ACTION

(còn nữa)
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Đang chung thủy với em Bollinger Band và đã có 1 cuộc sống hạnh phúc.

Bỗng xuất hiện Japanese Candle Sticks. 1 em chân dài trần trụi, nóng bỏng với ánh mắt của con nai tơ

Sự quyến rũ chết người này liệu có kéo người đàn ông khỏi tổ ấm hạnh phúc hiện tại, để theo đuổi 1 đam mê mới, để thỏa ước nguyện điên rồ phải chôn vùi bên cạnh bà vợ tẻ nhạt Bollinger Band.

.........
Hóng hớt
 
PHẦN 7: PHÍA SAU ÁNH NẾN - PRICE ACTION

Xuất phát điểm của tôi là một người làm công nghệ, bởi vậy tôi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ phương pháp tư duy bên lĩnh vực này và dù không chủ định nhưng tôi đã áp dụng nó một cách vô thức vào Forex. Một trong những đặc tính cơ bản trong phương pháp giải quyết vấn đề của tôi đó là cố gắng giữ cho mọi thứ thật đơn giản. Tôi vẫn còn nhớ những ngày tháng trước đây khi còn cặm cụi tìm kiếm và thử nghiệm những hệ thống giao dịch dựa trên các chỉ báo, chân thành mà nói thì tôi chưa bao giờ cảm thấy thoải mái hay tin tưởng vào những hệ thống giao dịch này. Tôi áp dụng nó bởi lẽ tôi không có lựa chọn khác, tại thời điểm đó tôi chưa xây dựng được một hệ thống giao dịch nào của riêng mình.

Tất cả những yếu tố tác động đến giá đều được biểu thị trên giá.

Lần đầu tiên đọc về phát biểu này, tôi đã thật sự bị ấn tượng. Nó đúng là những gì tôi đang tìm kiếm, một cách suy nghĩ thật đơn giản. Trước đây khi mới học Forex, dù đã đọc rất nhiều về phân tích cơ bảnphân tích kỹ thuật nhưng tôi luôn cảm thấy thiếu một điều gì đó. Chỉ đến khi biết đến Price Action tôi mới có thể hoàn thành nốt mảnh ghép cuối cùng và xây dựng được hệ thống giao dịch cho mình kể từ đây.

Trong suốt một khoảng thời gian dài trading, hoạt động trên các diễn đàn và thảo luận cùng các trader khác, tôi nhận ra rằng hầu hết mọi người đã hiểu chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về Price Action. Cứ mỗi khi bắt đầu trao đổi với ai đó về Price Action, họ lại lập tức nói về các mô hình giá. Một số người thậm chí còn mặc định cho rằng giao dịch theo Price Action chính là giao dịch bằng các mô hình giá và họ thực sự đã làm như vậy. Điều này luôn khiến tôi thấy ngạc nhiên và bất ngờ. Tôi không hiểu bằng cách nào họ vẫn có thể tồn tại được trên thị trường này với một lối suy nghĩ ngây thơ như vậy.

Như các bạn đã biết thì Price Action là hành vi của giá, hay đúng hơn là hành động của thị trường. Khi phân tích một hành động, nếu muốn đạt được hiệu quả thì các bạn cần phải nắm được ba trạng thái thời gian của nó: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Những gì bạn nhìn thấy trên biểu đồ chỉ là dấu vết để lại của thị trường, tất cả đã là lịch sử và đây chỉ là một phần của câu chuyện mà thôi. Điều tiếp theo bạn cần phải quan sát chính là các trạng thái của cây nến hiện tại. Hãy tập trung vào từng thay đổi nhỏ trên cây nến bởi nó sẽ cho bạn thấy các mức thay đổi của giá, giao dịch được khớp ở đâu, tốc độ khớp và di chuyển giá như thế nào, cách mà giá phản ứng với những vùng quan trọng, những thời điểm quan trọng. Sau khi phân tích về lịch sử giá trong quá khứ và những diễn biến đang xảy ra ở hiện tại thì lúc này bạn mới có thể tạm thời đưa ra dự đoán cho hành động giá tiếp theo. Nếu chỉ đơn thuần áp dụng một cách máy móc các mô hình giá và trade theo nó thì bạn sẽ cầm chắc thất bại bởi lẽ nếu thị trường mà đơn giản như vậy thì chỉ cần một con robot mini được lập trình theo vài công thức đơn giản là đủ để biến bạn thành tỷ phú rồi. Một điều nữa bạn cần lưu ý rằng Price Action chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian ngắn, càng kéo dài thì sự ảnh hưởng của nó sẽ càng giảm đi. Một hành động diễn ra ngày hôm nay thì sức ảnh hưởng của nó trong năm ngày sau sẽ không còn mạnh nữa. Thời gian càng ngắn thì sức ảnh hưởng của nó càng lớn. Tôi đã có kinh nghiệm về việc này đặc biệt khi trade scalping và trade BO. Nếu các bạn đã từng xem loạt video trade BO của tôi thì sẽ thấy tôi luôn chỉ sử dụng chart 10 giây để vào lệnh và tham khảo ở khung M1 & M5. Tôi đã gặt hái được rất nhiều thành công, hiện tại vẫn đang thu được kết quả tốt và tương lai tôi tự tin vẫn duy trì được như vậy.

Rất nhiều tài liệu về Price Action cho rằng giao dịch theo phương pháp này chỉ cần chart trắng là đủ. Điều này đúng, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể kết hợp thêm các indicator khác nếu muốn, tùy thuộc vào việc bạn cần thông tin gì cho phân tích của mình. Cá nhân tôi thì có sử dụng thêm chỉ báo Bollinger Bands. Price Action bản thân nó cũng là một dạng phân tích kỹ thuật, rất mạnh mẽ tuy nhiên chỉ mình nó thôi thì chưa đủ. Hãy bảo đảm bạn luôn có một cái nhìn tổng quan về cấu trúc của thị trường và đừng bao giờ bỏ qua phân tích cơ bản, bất kể phong cách giao dịch của bạn là gì.

Forex là một thị trường rộng lớn có thể dung nạp hàng ngàn các phương pháp giao dịch khác nhau. Mỗi phương pháp giao dịch đều có điểm mạnh yếu riêng của nó và phù hợp với từng người. Riêng tôi sau khi đã thử với rất nhiều phương pháp giao dịch, đến cuối cùng thì tôi đã chọn Price Action và tôi cảm thấy hài lòng với nó. Nếu bạn chưa bao giờ sử dụng phương pháp giao dịch này thì tôi có lời khuyên chân thành là hãy thử nó ít nhất một lần, biết đâu bạn lại tìm tìm thấy điều gì đó thú vị thì sao.

20180104-172719.jpg


PHẦN 8: TREND, KHÁNG CỰ & HỖ TRỢ - TÔI ĐÃ NHÂN ĐÔI TÀI KHOẢN NHƯ THẾ NÀO

(còn nữa)
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên lề câu chuyện: Thứ 6 ngày 5/1/2018.

View attachment 32044

1. Khả năng A: Bạn có thể là 1 hiện tượng về FX.
2. Khả năng B: Bạn đang ở 1 trạng thái. Trạng thái ổn định này bền vững hơn phong độ nhất thời của tinh thần. Nhưng có giữ được sự nguyên vẹn về ý thức qua thời gian dài là 1 vấn đề.

Cụ thể hơn là bạn đang có sự nhất quán dựa vào niềm tin của Sự chọn lựa. Tuy nhiên, khi hiểu biết càng nhiều và sâu thì sẽ càng Mâu thuẫn. Những chiến thắng mang đến tiền bạc ít được nhớ tới nhưng Thua lỗ lại luôn xoáy vào tâm trí mỗi ngày. Mỗi ngày, mỗi ngày, gánh nặng xử lý của bộ não lên mỗi lệnh Entry, Exit sẽ càng tăng lên.

Dù sao cũng chúc mừng.
 
Tuy nhiên, khi hiểu biết càng nhiều và sâu thì sẽ càng Mâu thuẫn.

Tôi hoàn toàn đồng ý với bác về nhận định này. Nó không chỉ đúng trong trading mà có lẽ là đúng với nhiều lĩnh vực khác trong đời sống. Tuy nhiên, có thể nói là tôi có phần may mắn khi đã tìm ra cách để dung hòa được sự mâu thuẫn này.
 
Rất hay, chúc mừng bạn đã nằm trong danh sách những người hiểu về thị trường.
Bài viết kèm thêm văn kiểu này cứ như bạn từng là thành viên của voz hoặc AOE việt nam thì phải.
 
Bác gồng lỗ dữ quá, ôm lệnh từ 29/12, nếu xu hướng lên tiếp thì bác chịu đựng được đến bao giờ ???

Nguyên tắc quan trọng nhất trong quản lý vốn của tôi đó là luôn sẵn sàng cho việc thua lỗ và mất toàn bộ số tiền. Một khi đã quyết định giao dịch thì sẽ chấp nhận mọi kết quả. Khi tôi đã vào lệnh với mục tiêu định trước, thì tôi sẽ chờ đợi cho đến khi đạt mục tiêu, hoặc chấp nhận thua. Các lệnh kia hiện tại tôi vẫn chưa đóng bác ạ, mức lợi nhuận cuối phiên hôm qua đã giảm xuống chỉ còn 4k3. Tôi sẽ tiếp tục chờ đợi và theo dõi diễn biến ở phiên tuần tới để quyết định xem sẽ duy trì việc chờ đợi hay là chốt lời tại đây.
 
PHẦN 8: TREND, KHÁNG CỰ & HỖ TRỢ - TÔI ĐÃ NHÂN ĐÔI TÀI KHOẢN NHƯ THẾ NÀO

Trong rất nhiều những cuộc trao đổi của tôi với các bạn trader khác, dù họ là trader mới hay là những trader đã có nhiều năm lăn lộn với thị trường, tôi đều đặt một câu hỏi chung với họ như thế này: “Theo bạn thì bản chất của Forex có đúng là một thị trường giao dịch tài chính hay không?” Và khi ai đó nhanh chóng đưa ra câu trả lời là “đúng”, tôi biết rằng họ đã gặp phải vấn đề nghiêm trọng rồi. Trừ khi họ may mắn, còn không thì thành công trên thị trường này với họ có lẽ sẽ là một điều rất xa vời mà còn lâu mới có thể chạm tới.

Về phương diện góc nhìn cá nhân, tôi chưa bao giờ coi Forex là một thị trường tài chính. Với tôi, Forex là một thị trường tâm lý mà ở đó giao dịch tài chính chỉ là biểu hiện bên ngoài. Bản chất của thị trường này, cũng giống như bản chất của tất cả những thị trường khác chính là một thị trường tâm lý. Thứ mà người ta thực sự mua bán là niềm tin, lòng tham, cái tôi và nỗi sợ hãi chứ không phải là những cặp tiền. Một khi đã hiểu và đồng ý với quan điểm này, tôi tin rằng con đường trading của bạn chắc chắn sẽ khởi sắc hơn. Và cũng dựa trên quan niệm này mà toàn bộ hệ thống phân tích của tôi đều chỉ dựa trên một cơ sở duy nhất: Tâm lý thị trường.

Trend is your friend là một thông điệp mà bất cứ trader nào cũng biết, nhưng thật không dễ dàng để nắm bắt và khai thác nó một cách hiệu quả. Chắc hẳn trong quá trình trading bạn luôn phải đối mặt với những câu hỏi như: Đây có phải là tín hiệu bắt đầu một trend không? Trend này sẽ kéo dài bao lâu? bao giờ thì kết thúc? Tôi chưa bao giờ hết cảm thấy tò mò mỗi khi lướt web, facebook hay ở các diễn đàn forex và bắt gặp những hình chart mà ở đó người ta kẻ vẽ lên đủ thứ để đo đạc và dự đoán về trend. Tôi càng tò mò hơn khi nhìn thấy một số người sử dụng những công thức toán học vi diệu nào đó cùng với những đường line chằng chịt, những lý thuyết cao siêu cộng với hàng tá các indicator để đưa ra tiên đoán về trend và giao dịch dựa vào nó. Sự tò mò của tôi vẫn chưa bao giờ kết thúc bởi lẽ tôi luôn cho rằng cách làm đó không hiệu quả với thị trường này. Hãy hình dung có một quả táo đặt trên bàn trước mặt của ba người, thật khó để có thể biết được có bao nhiêu người thích ăn táo và bao nhiêu người không. Cho dù có được thông tin rằng hai trong ba người đó thích ăn táo thì cũng không có gì chắc chắn được ai sẽ là người ăn quả táo vào thời điểm đó. Bởi vậy tôi nghĩ rằng cố gắng đo đạc và nguyên lý hóa một thị trường tâm lý như Forex gần như là một việc làm bất khả thi.

Tôi gần như không bao giờ giao dịch thuận trend bởi hai lý do. Lý do thứ nhất là tôi không có câu trả lời cho những câu hỏi nêu ra ở phía trên, còn lý do thứ hai là tôi không chọn lựa nằm trong số đông. Điều này cũng là một điểm hạn chế bởi tôi không tận dụng được những lợi thế của việc giao dịch thuận trend. Tuy nhiên tôi chấp nhận chiến lược của mình không hoàn hảo và tôi vẫn thấy hài lòng với nó. Trừ một số trường hợp rất hiếm hoi tôi quyết định giao dịch thuận trend, còn lại chiếm hơn 80% trong chiến lược của tôi là giao dịch ngược trend và giao dịch breakout.

Trước đây khi học về kháng cựhỗ trợ, ngay từ khoảnh khắc đầu tiên đọc về định nghĩa và tính chất của nó tôi đã cảm thấy khó chịu rồi. Một kháng cự có thể sẽ trở thành hỗ trợ và ngược lại một hỗ trợ cũng có thể biến đổi thành kháng cự tùy thuộc vào diễn biến của thị trường. Cách hiểu như vậy chẳng những không mang lại hiệu quả khi ra quyết định, mà nó có thể còn gây thêm phần khó khăn trong việc chọn lựa sẽ đi theo hướng nào. Nếu hiểu đúng theo cách định nghĩa đó, vậy thì khi ở một vùng kháng cự chẳng hạn, lựa chọn theo hướng nào cũng chỉ còn là cảm tính và không khác gì đánh bạc. Tôi đã tìm một cách hiểu khác về hai khái niệm này, cuối cùng cả hai khái niệm kháng cựhỗ trợ tôi đều quy về thành một khái niệm chung duy nhất. Tôi gọi nó là “vùng nhạy cảm”. Chỉ bằng việc thay đổi cách nhìn về hai khái niệm này, kết quả giao dịch của tôi đã có chuyển biến tích cực lên rất nhiều. Dù có nhận ra hay không, nhưng một khi bạn sử dụng khái niệm kháng cự/ hỗ trợ thì trong vô thức bạn sẽ có xu hướng quyết định dựa theo nó rất nhiều. Khi thị trường đưa bạn đến một điểm mà theo tính chất và biểu hiện đó là một kháng cự, phần vô thức gợi lên quyết định đánh xuống trong bạn sẽ mạnh mẽ hơn. Khi không còn bị chi phối bởi hai từ “ kháng cự” hay “ hỗ trợ” mà thay vào đó là một “vùng nhạy cảm”, lúc này bạn sẽ tự do hơn và khách quan hơn rất nhiều. Vô thức của bạn không còn bị trói buộc và dẫn dắt theo lối chủ quan cứng nhắc nữa, nó sẽ nhẹ nhàng hơn và sẵn sàng trước mọi sự thay đổi. Tôi tin rằng với cách nhìn mới về hai khái niệm này sẽ cho bạn những quyết định giao dịch hiệu quả hơn.

Mặc dù đã quy nạp hai khái niệm kháng cựhỗ trợ trở thành một vùng nhạy cảm, nhưng khó khăn của việc ra quyết định giao dịch đánh lên hay đánh xuống thì vẫn còn nguyên. Và thật may mắn cho tôi, thật vô cùng may mắn cho tôi bởi vì đây là thời điểm mà tôi có thể vận dụng được lợi thế về chuyên môn công nghệ của mình. Để có thể đưa ra quyết định giao dịch, tôi cần thêm những cơ sở về phân tích số liệu. Tôi dễ dàng lập trình ra những chương trình thu thập số liệu thị trường trong bất kể thời gian nào mà tôi muốn. Sau đó, tôi phân tích và thống kê cách mà giá phản ứng với những vùng kháng cự/ hỗ trợ trong quá khứ, từ đó tôi xem xét các khả năng và đưa ra lựa chọn giao dịch phù hợp tương ứng với chiến lược tổng quan của mình. Nếu các bạn có thể tận dụng tính năng backtest sẵn có của các nền tảng giao dịch như Metatraer thì tôi có thêm khả năng giả lập hẳn một thị trường mới và độc lập để thỏa sức thử nghiệm trên đó. Thay vì phải mất nhiều năm để va chạm thực tế, sức mạnh của máy móc và công nghệ có thể giúp tôi thực hiện hàng triệu lệnh backtest trên những thị trường giả lập khác nhau chỉ trong thời gian rất ngắn. Rất nhiều người đã thắc mắc rằng tại sao chỉ mới trade Forex có một năm mà tôi lại có thể đạt được kết quả giao dịch khả quan như vậy, đây chính là câu trả lời của tôi cho vấn đề này. Thực sự thì tôi không phải là thiên tài hay có năng khiếu bẩm sinh với Forex, tôi chỉ may mắn vì có lợi thế về công nghệ hỗ trợ cho tôi trong suốt quá trình nghiên cứu và giao dịch trên thị trường. Đối với tôi, kết hợp giữa công nghệ và tài chính là một điều may mắn tuyệt vời mà tôi có được, con đường trading của tôi nhờ thế có thể tránh khỏi rất nhiều sai lầm. Phải nói rằng nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ, có lẽ tôi không thể nào đạt được thành công như ngày hôm nay.

Tôi chưa bao giờ đặt mục tiêu lợi nhuận là 100% hay 200% một tháng. Nhưng tôi cũng không bao giờ chấp nhận việc đặt mục tiêu là cắt lỗ và cố gắng tồn tại được trên thị trường. Sau những ngày tháng hoang tưởng với giấc mơ triệu đô thời kỳ đầu, tôi đã thực tế hơn và chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận từ 10% đến 20% mỗi tháng. Sau này khi sử dụng chiến lược lãi suất kép, kết hợp với phương pháp chốt lời bằng Trailing Stop thay cho Take Profit, lợi nhuận của tôi đã linh động hơn rất nhiều. Ngay cả giờ đây khi tôi đã có kết quả khá thành công rồi, tôi cũng không xác định 100%, 200% hay bất cứ mục tiêu lợi nhuận ngất ngưởng nào. Việc duy nhất tôi xác định rõ ràng là kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn, các yếu tố rủi ro và các lệnh thua lỗ. Lợi nhuận là thứ mà tôi để thả nổi, tùy vào diễn biến của thị trường mà tôi sẽ sử dụng trailing stop một cách uyển chuyển cho phù hợp. Tôi vẫn đặt TP nhưng thường là một mức TP rất cao từ 50 pips trở lên, thậm chí là 100 pips, mục đích của việc này là để săn thiên nga. Nhìn lại một năm qua, khoảng thời gian không ngắn nhưng cũng chưa đủ dài, và dẫu rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn thường trực trong hoạt động trading nhưng tôi đã phần nào có trong mình một sự tự tin nhất định. Tôi không bao giờ do dự và không còn lo sợ nữa bởi tôi hoàn toàn tin tưởng vào hệ thống và chiến lược giao dịch của mình.

Tôi mong và chúc cho tất cả các bạn luôn thành công mỗi ngày, đặc biệt là những bạn đang còn vất vả vật lộn với thua lỗ. Mong rằng các bạn sớm xây dựng được cho mình một hệ thống giao dịch hiệu quả để không những có thể tồn tại mà còn có thể gặt hái được thành công dù là nhỏ trên con đường này. Không có cuộc hành trình vĩ đại nào mà không có khó khăn, chúc cho các bạn giữ được niềm tin và sự kiên định, giữ được sự tỉnh táo và ngọn lửa của đam mê. Forex là một cơ hội tuyệt vời, đừng bỏ cuộc!

PHẦN 9: SIMPLE SYSTEM - HỆ THỐNG GIAO DỊCH CỦA TÔI

(còn nữa)
 

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT

  • Mạc An trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 226 Xem / 5 Trả lời
  • DuongHuy trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 145 Xem / 13 Trả lời
  • DuongHuy trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 298 Xem / 12 Trả lời
  • Mạc An trong Phân tích Forex - Vàng - Hàng hóa 562 Xem / 14 Trả lời
  • DungMaximus trong Quyền chọn Nhị phân - Binary Options 12,908 Xem / 37 Trả lời
  • TraderViet News trong Chuyện bên lề 2,346 Xem / 1 Trả lời
  • AdBlock Detected

    We get it, advertisements are annoying!

    Sure, ad-blocking software does a great job at blocking ads, but it also blocks useful features of our website. For the best site experience please disable your AdBlocker.

    Back
    Bên trên